Giấy chứng nhận căn cước – Đảm bảo quyền lợi của người dân
Trong 10 ngày đầu triển khai thi hành Luật Căn cước 2023, kết quả đã cấp 5.258 thẻ Căn cước trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Trong đó cấp cho 191 trường hợp dưới 6 tuổi; 1.849 trường hợp từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi; 3.218 trường hợp trên 14 tuổi và có 26 trường hợp được cấp Giấy chứng nhận căn cước.

Trao trả Giấy chứng nhận căn cước cho người dân ở huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng.

“Giấy chứng nhận căn cước được cấp cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch mà đang sinh sống liên tục từ 06 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã”, đó là một trong những điểm mới của Luật Căn cước được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.  

Chị T.T.N (sinh năm 1976) hiện đang sinh sống tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng vui mừng khi nhận Giấy chứng nhận căn cước chỉ sau vài ngày được lực lượng Công an thu nhận hồ sơ. Huyện Kế Sách là một trong những địa phương có số lượng cấp Giấy chứng nhận căn cước nhiều nhất trên địa bàn tỉnh trong 10 ngày qua (có 09 trường hợp).

Quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam ngoài những tác động tích cực trong công tác quản lý nhà nước còn thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc. 

Theo Bộ Công an, Luật Căn cước công dân năm 2014 không quy định cấp số định danh cá nhân, giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Do đó, Bộ Công an với vai trò là cơ quan chủ trì trong xây dựng Luật Căn cước đã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, thấy rằng Luật Quốc tịch, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có quy định về người nước ngoài và công dân Việt Nam, trong đó, tập trung quy định về việc công nhận, xác định quốc tịch, quản lý cư trú (cấp thẻ thường trú, tạm trú…). Tuy nhiên, các luật này đều không điều chỉnh, quy định về quản lý căn cước đối với người gốc Việt Nam. Trong khi đó, thực tế hiện nay ở nước ta có trên 30.000 trường hợp người gốc Việt Nam không xác định được quốc tịch (trong đó, có trên 770 trường hợp là con lai giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài chưa xác định được quốc tịch tập trung tại các tỉnh Gia Lai, Bạc Liêu, Vĩnh Long...; trên 10.600 trường hợp người không xác định được quốc tịch, chưa được đăng ký cư trú và trên 16.100 trường hợp người không có giấy tờ tùy thân tập trung tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Tháp, Bình Dương, Đồng Nai…). Họ và các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương đều không có thông tin hoặc bất cứ giấy tờ nào chứng minh về nhân thân, lai lịch. Những người này đều không đủ điều kiện được cấp thẻ thường trú, tạm trú theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; không thể thực hiện khám chữa bệnh, ký hợp đồng lao động, nhập học hoặc tham gia giao dịch dân sự cần chứng minh thông tin nhân thân… Nên để giải quyết tình trạng này, Bộ Công an đã đề nghị cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam. Việc quản lý căn cước đối với người gốc Việt Nam là cần thiết và phù hợp, không trái với quy định của Luật Quốc tịch và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Giấy chứng nhận căn cước của người dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Nội dung quản lý về căn cước đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được cấp giấy chứng nhận căn cước bao gồm: thu thập thông tin về căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; cập nhật, điều chỉnh, khai thác, sử dụng thông tin về căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đã được thu thập vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; xác lập số định danh cá nhân cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi, giữ, trả lại giấy chứng nhận căn cước.

Giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng số định danh cá nhân trên giấy chứng nhận căn cước để kiểm tra thông tin của người được cấp giấy chứng nhận căn cước trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Khi người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch phải xuất trình giấy chứng nhận căn cước theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó không được yêu cầu người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã được chứng nhận trong giấy chứng nhận căn cước, trừ trường hợp thông tin của người đó đã được thay đổi hoặc thông tin trong giấy chứng nhận căn cước không thống nhất với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Việc thu thập, cập nhật thông tin về người gốc Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước giúp công tác quản lý chặt chẽ hơn. Trong quá trình thu thập thông tin về người gốc Việt Nam, cơ quan Công an phối hợp với các cơ quan có liên quan để kiểm tra, rà soát và xác minh kỹ lưỡng trước khi thu thập, cập nhật thông tin của họ vào cơ sở dữ liệu để quản lý. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương được khai thác, sử dụng các thông tin này để phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong quá trình khai thác, sử dụng các thông tin này khi có biến động về thông tin hoặc điều chỉnh thông tin của cơ quan có thẩm quyền thì Bộ Công an sẽ thu thập, kiểm tra và điều chỉnh cho phù hợp. Chính sách này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý nhà nước được chặt chẽ, đồng thời tạo thuận lợi trong việc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ và giải quyết chế độ chính sách cho người gốc Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam. Đảm bảo cho họ có cuộc sống an ninh, an toàn và có các quyền căn bản tham gia vào các dịch vụ của đời sống, xã hội, tham gia vào các chính sách của Nhà nước… Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp giấy chứng nhận căn cước theo quy định của pháp luật.

DIỄM HƯƠNG - TÚ DUY
THÔNG BÁO CÔNG AN TỈNH

TRUYỀN HÌNH VÌ AN NINH TỔ QUỐC
Ảnh 3
Ảnh 3
Ảnh 2
Ảnh 2
Ảnh 1
Ảnh 1
Thống kê truy cập
  • Đang online: 534
  • Hôm nay: 993
  • Trong tuần: 22 876
  • Tất cả: 6696371

Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Sóc Trăng

Chịu trách nhiệm nội dung: Đại tá Phạm Quốc Việt - Phó Giám đốc Công an tỉnh
Địa chỉ: 18 Hùng Vương - Phường 6 - TP Sóc Trăng.
Tel: 0693751238, Email: conganst@soctrang.gov.vn
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin Công an tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ website này